Tin tức sự kiện

Tái cơ cấu: Chờ đợi là tự vẫn

Bản Đề án tái cấu trúc nền kinh tế vốn được chờ đợi là một kế hoạch tổng thể cho các lĩnh vực và DN để tái cấu trúc đang được tranh cãi ở Quốc hội.

Làm càng sớm càng tốt

Cuối năm ngoái, Trung ương Đảng đã thống nhất chỉ đạo, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực chất, tái cơ cấu không phải là một khái niệm xa lạ. Nó đã được nhắc đến rất nhiều từ hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Đáng tiếc, thời điểm đó, những đề xuất và thậm chí cả một bản sơ khởi về tái cơ cấu đã được soạn thảo nhưng rồi lại lại bị quên lãng.

Vì thế, nhiều người cho rằng, lần này việc tái cơ cấu dù đòi hỏi gắt gao hơn cũng không dễ đẩy nhanh được. Nhất là khi người ta chưa nhìn thấy những đề án và kế hoạch để biết bắt đầu tư đâu và làm gì.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tháng sau chỉ đạo trên, cả nước đã nóng với vụ hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank SCB và Việt Nam Tín Nghĩa. Ngân hàng Nhà nước đã không ngần ngại tuyên bố đây là những ngân hàng nhỏ, có nhiều khó khăn do thiếu hụt thanh khoản tạm thời, mất an toàn và có nguy cơ đổ vỡ. Cơ quan nhà nước đã hỗ trợ và hợp nhất là bước đi cần thiết tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định đây là bước đi tiên phong trong quá trình tái cấu trúc NH.

Sau đó, một Đề án về tái cấu trúc ngân hàng đã được xây dựng và trình lên Thủ tướng phế duyệt. Tuy nhiên, không trông chờ vào một đề án cụ thể nào thì việc tái cơ cấu ngân hàng vẫn được đẩy mạnh từ hai phía: cơ quan quản lý và các tổ chức tín dụng.

 

 

Dễ thấy nhất là những thương vụ gây chú ý cho toàn thị trường như: HBB sáp nhập vào SHB hay như Tienphongbank thu hút được những nhà đầu tư lớn để khắc phục khó khăn và chuẩn bị cho một lộ trình mới. Đại hội cổ đông gần đây OceanBank cũng có một kế hoạch phát triển với những nhân tố mới bao gồm một đối tác ngoại đến từ anh quốc. Trong khi đó, việc cổ phần hóa BIDV cũng góp thêm sự khẳng định đẩy nhanh tái cơ cấu các ngân hàng quốc doanh lớn

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần tuyên bố, có khoảng 9 - 10 ngân hàng trong diện yếu kém sẽ tiếp tục được cơ cấu. Các ngân hàng này đã được khu biệt để hỗ trợ, tạo điều kiện để có các giải pháp và đối tác tham gia tái cơ cấu, lộ trình này sẽ còn tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Cũng như thế, dù cho đến cuối tháng này, bàn Đề án tái cấu trúc DN nhà nước mới chính thức được trình Thủ tướng xem xét nhưng những động thái tái cấu trúc khu vực này đã được chính những DN thực hiện. Cuối năm ngoài, Tập đoàn Sông Đà đã chính thức công bố quá trình tái cơ cấu như một báo hiệu đầu tiên cho một giai đoạn quyết liệt của tái cơ cấu DNNN.

Trong khi đó, từ đầu năm nay, Bộ Tài chính cũng đã cùng các tập đoàn nhà nước lớn ký kết thực hiện một chương trình tiết kiệm chi phí 10% trong sản xuất kinh doanh. Không giống như những lời kêu gọi tiết kiệm những lần trước. Con số tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng đã được tính toán và công khai tiết kiệm ở đâu và làm như thế nào. Tiết kiệm nhưng đòi hỏi vẫn đảm bảo hiệu quả và lợi nhuận tăng, phúc lợi lớn hơn... Chính vì thế, người đứng đầu ngành tài chính đã hy vọng rằng đây là cách cụ thể để khởi đầu cho quá trình tái cơ cấu DNNN.

Mới đây nhất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố tiếp tục rút vốn ra khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nhất là đầu tư vào tài chính, ngân hàng. Trước đó, cuối năm ngoài, tập đoàn này cũng đã 'don dẹp" cơ bản việc đầu tư tràn lan vào BĐS. Trong khi đó, tập đoàn Than - Khoáng sản cũng đã có một kế hoạch rút vốn ra khỏi những DN đầu tư không ưu tiên để tập trung cho lĩnh vực cốt lõi... Những chuyển động này trước đây từng bị chậm trễ nhưng trong tình huống hiện nay, chính các DNNN cũng muốn làm nhanh để thoát khỏi những khu vực nhạy cảm này.

Trên xuống hay dưới lên?

Nói về thực tế này, một chuyên gia kinh tế từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, tái cơ cấu trong hoàn cảnh hiện nay được nhìn nhận như sức ép và giải pháp để vượt khó và chủ trương đó thật dễ hiểu là là làm sao và làm mọi cách để mỗi DN và toàn hệ thống không bị phá sản, hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu qua. Vì thế, những DN nào, ngành nào càng khó khăn thì tất nhiên, việc tái cơ cấu sẽ càng riết róng hơn. Và muốn tồn tại, phát triển thì làm càng sớm càng tốt.

Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ đã trình Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ đầu, bản đề án ngày đã gây ra nhiều tranh cãi dưới nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng đã được thống nhất là chủ trương tái cơ cấu luôn được khẳng định và mọi tranh cãi nhằm tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhất.

 

Tuy nhiên, trong khi bản đề án "mẹ" cho công cuộc tái cơ cấu mới bắt đầu bàn cãi thì các DN, vì sự sống còn của mình thì không thể chờ đợi. Sự chủ động của các DN, lĩnh vực như là nhân tố tích cực và thực chất nhất để làm nên sự thay đổi cho toàn bộ nền kinh tế. Chính vì thế, trong tái cơ cấu cần nhất sự chủ động và cả những mô hình sáng tạo, thậm chí có thể khác với suy nghĩ thông thường.

Trao đổi về vấn đề này, giám đốc một DN trên lĩnh vực tài chính nói thẳng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN không có nhiều lựa chọn. Những DN nhỏ yếu nếu có phương án tái cơ cấu thì không phá sản cũng trở thành miếng mồi cho những DN lớn. Ngay cả những DN lớn, việc tái cơ cấu cũng phải được đặt ra để đảm bảo củng cố được vị thế, khắc phục những rủi ro của một quá trình phát triển nóng vừa qua.

Với góc nhìn đó, vị doanh nhân này cho rằng, những đề án tái cấu trúc là một định hướng tổng thể quan trọng nhưng định hướng đó sẽ khó thành công nếu chính mỗi DN, mỗi lĩnh vực không thành công trong việc tái cơ cấu chính mình. Mỗi người phải làm tốt phần việc của mình vì sự sống còn của mình là điều quan trọng nhất.

Với cách nhìn đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tái cơ cấu quan trọng nhất là làm gì và làm như thế nào để phục vụ một mục tiêu cao nhất là hiệu quả và phát triển bền vững. Thậm chí, trong quá trình tái cơ cấu, phải cần sự linh hoạt và sáng tạo ngay từ chính mỗi DN mà hoàn toàn không câu nệ theo một quy trình trên xuống hay dưới lên, hay ép mình theo một mô hình nào

Một ví dụ được các chuyên gia nhắc đến là trong tình vẫn còn nhiều tổ chức tín dụng cần phải tái cơ cấu, nếu chỉ có những mô hình mua bán, hợp nhất, sáp nhập giữa các ngân hàng thì sẽ có thể giải quyết hết. Chưa kể, sau các ngân hàng thì còn khối các công ty tài chính của các tập đoàn... Như vậy, những phương án mới, sáng tạo để huy động được những nguồn lực tốt nhất cho tái cơ cấu.

Đối với các Tập đoàn hay DNNN với tình hình khó khăn và thua lỗ nhiều như hiện nay, liệu một mình nhà nước có thể đứng ra cáng đáng hết. Mà thay vào đó phải có những giải pháp để huy động những nguồn lực khác. Có thể, việc cổ phần hóa vẫn là một hướng đi chủ đạo nhưng cần những giải pháp để đẩy nhanh tốc độ, hấp dẫn các nguồn lực tham gia tái cơ cấu DNNN.

Với thực tế đó, rõ ràng trong khi chờ đợi những kế hoạch chung thì mỗi DN và lĩnh vực đã phải thủ sẵn cho mình những kế hoạch riêng mà không hẳn phải chờ. Bởi vì chờ chẳng khác nào tự vẫn. Mà trong đó sự thành công của những mô hình ngân hàng tái cơ cấu, chuyển động các các DNNN mà nhất là sự linh hoạt chuyển đổi của khối tư nhân đã chứng minh sử chủ động từ dưới lên mới là nhân tố quan trọng không thể thiếu. Tất nhiên, ở chiều ngược lại, từ trên xuống cũng cần có những kế hoạch khả thi với những quan điểm cởi mở trước những sự linh hoạt và sáng tạo của thực tế.

Theo Lê Khắc

Vietnamnet

Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Khang: 0975.18.33.66
Mr. Hà: 0914.338.348
0975.18.33.66
Thông tin thẩm định
Văn bản pháp luật
Quảng cáo