Tin tức sự kiện

Tái cấu trúc kinh tế: Làm ráo riết nhưng phải bình tĩnh

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, tái cấu trúc nền kinh tế phải làm kịp thời để tạo niềm tin cho nhân dân, nhưng phải thận trọng và cần sửa Hiến pháp.

Tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay đang là một vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết phải thực hiện ngay. Tuy nhiên, để tái cấu trúc hiệu quả, còn nhiều việc phải làm.

Đầu tư công liên hệ trực tiếp với nợ công

Trước hết, về mối quan hệ giữa đầu tư công và nợ công, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Đầu tư công hiện nay của Việt Nam dựa vào một phần rất quan trọng của vay nợ, và tỷ lệ vay nợ đó gồm nợ trong nước (huy động bằng trái phiếu Chính phủ) và nợ nước ngoài (phần vay của vốn được phân và trợ giúp phát triển, nguồn vốn vay thương mại nhưng tỷ lệ lãi suất rất cao).

 

Tiến sĩ Trần Đình Thiên

Để bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước và ngân sách nhà nước Việt Nam đang đứng trước “vòng xoáy” nợ nần với quy mô nợ Chính phủ ngày càng lớn.

Như vậy có thể khẳng định là đầu tư công có mối liên hệ trực tiếp với nợ công khi toàn bộ thâm hụt ngân sách nhà nước là dành để cho đầu tư công và được tài trợ bởi vay nợ trong và ngoài nước. Thêm vào đó, tuyệt đại đa số vay nợ trong và ngoài nước cũng dành để đầu tư công, hoặc là đầu tư trực tiếp của Chính phủ, của chính quyền địa phương hoặc là chuyển cho DNNN đầu tư.

Phải dẹp cơ chế xin – cho

Trong đầu tư công, lâu nay dư luận vẫn rất bức xúc về chuyện  “xin – cho” nổi lên như một cơ chế trong nền kinh tế, với nhiều hạn chế, thậm chí không ít chuyên gia cho rằng, đầu tư công là sản phẩm của cơ chế này. TS Trần Đình Thiên cho rằng, để dần dẹp bỏ “cơ chế” này, cần phải ban hành Luật Đầu tư công, ghi rõ ai làm cái gì, không được làm cái gì, và ai chịu trách nhiệm.

Theo đó, TS Thiên phân tích cụ thể: Đề án tái cấu trúc đầu tư công phải gắn liền với cải cách luật pháp, thể chế, cơ chế quản lý đầu tư theo hướng thực hiện công khai, minh bạch, đặt quá trình đầu tư dưới chế độ trách nhiệm cá nhân ở từng khâu trong quy trình xét duyệt, nghiệm thu, đặt đầu tư công dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, tổ chức quần chúng có chuyên môn, báo chí và công luận.

Chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; hạn chế danh mục đầu tư công, thực hiện rộng rãi cơ chế hợp tác công – tư.

Sửa đổi, bổ sung trong quan hệ giữa trung ương và địa phương theo hướng tăng cường chế độ tự chịu trách nhiệm, chế độ trách nhiệm cá nhân trong quyết định đầu tư.

 

Theo TS Thiên: Cơ chế "xin- cho" cần sớm phải dẹp bỏ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, dù thực hiện bằng cách nào, hoạt động giám sát vẫn luôn được coi là một trong những then chốt để minh bạch hóa đầu tư công. Nhưng, vấn đề đặt ra là giám sát như thế nào? Ai giám sát? Tức là cơ chế giám sát phải thực sự đảm bảo đem lại hiệu quả.

“Cần phải có giám sát độc lập và giám sát bởi người có chuyên môn, bao gồm cả chuyên môn trong nước, nước ngoài và phải có trách nhiệm giải trình”- TS Trần Đình Thiên nói.

Đặc biệt, theo quan điểm của TS Thiên, không nhất thiết phải có cơ quan nào đứng ra làm, mà phải có luật, trên cơ sở đó sẽ thu hút người có chuyên môn, sau đó, chỉ cần có cơ quan đứng ra giám sát và Quốc hội thực hiện việc giám sát đó.

Nhà nước phải “khôn ngoan”

Đầu tư công của Việt Nam trong quá khứ đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nó đang bộc lộ nhiều yếu điểm cần phải được xử lý như: chính sách đầu tư, cơ cấu đầu tư, hiệu quả kinh tế, cơ chế đấu thầu xây dựng, giám sát...

Vì thế, theo TS Thiên, cần phải có Luật quy hoạch, phải khắc phục được tư duy nhiệm kỳ, và lợi ích nhóm nhưng tất cả mới chỉ nêu lên song vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Mới đây, trong đề án lớn tái cơ cấu kinh tế trình Chính phủ, cắt giảm đầu tư công là một vấn đề vô cùng quan trọng, TS Trần Đình Thiên cho rằng: Giảm đầu tư công phải gắn liền với hiệu quả, làm sao để cũng số vốn đó hoặc thậm chí ít đi mà đầu tư vẫn mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay, phần đầu tư của Nhà nước quá nhiều, phần đầu tư của tư nhân lại ít đi, cho nên chúng ta phải luôn đặt cắt giảm đầu tư trong bài toán hiệu quả.

Cho dù thực tế hiện nay, khi động đến chuyện cắt giảm đầu tư công, khó tránh hiện tượng ngành nào, địa phương nào cũng nhận dự án của họ là rất cần thiết, rất cấp bách. Nhưng TS Trần Đình Thiên khẳng định: Nhà nước phải “khôn ngoan” xếp đặt sự cần thiết, sự quan trọng ấy theo một logic nào đó.

Mà cách khôn ngoan đó, theo TS Thiên, phải dựa trên những quy tắc để tính đến chi phí cơ hội, đó là nguyên lý thị trường đòi hỏi khi quyết định đầu tư. Còn chuyện đặt vấn đề tiêu chí cái nào cần trước, cái nào cấp bách là cả một khoa học nghệ thuật.

Làm ráo riết nhưng phải bình tĩnh

Một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại tình trạng DNNN thấy việc dễ thì làm, lấn sân sang cả khu vực tư nhân. Do đó, việc tìm cách đưa DNNN về đúng vị trí của mình và làm đúng việc của mình không đơn giản.

Về khía cạnh này, TS Trần Đình Thiên nhận định: Chúng ta đang tái cơ cấu trong một hoàn cảnh đặc biệt, bất ổn vĩ mô kéo dài, điều kiện tăng trưởng khó, tăng trưởng suy giảm, trong trường hợp này lại buộc phải tái cơ cấu, lại phải xử lý cả những cái ngắn hạn và dài hạn.

 

Nội dung quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình tái cơ cấu DNNN. Ảnh minh họa

Hiện nay, Nhà nước đã lựa chọn 3 lĩnh vực để tái cơ cấu kinh tế là tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), tái cơ cấu DNNN (trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty) và tái cấu trúc hệ thống tín dụng ngân hàng (trọng tâm là các ngân hàng thương mại).

3 lĩnh vực được chọn trọng tâm này gắn với vùng quản trị trực tiếp của Nhà nước nên Nhà nước tác động được rất mạnh, trực tiếp và nhanh chóng. Vì thực hiện tái cơ cấu trong điều kiện khó khăn như thế nên phải lựa chọn những lĩnh vực làm được ngay, làm được trước và dễ làm, làm luôn để tạo niềm tin như cắt giảm những gì không hiệu quả, cổ phần hóa một số doanh nghiệp, tạo niềm tin là Nhà nước đã hành động thực sự.

Nhưng nếu chỉ như thế mà đã mãn nguyện là chưa đủ, một việc rất cấp thiết bên cạnh đó là sửa đổi Hiến pháp, gắn với tái cấu trúc kinh tế, đó là vấn đề sở hữu, phân cấp quản lý đất đai, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường, thể chế cạnh tranh. Phải làm ráo riết đồng thời hai vấn đề này nhưng cũng cần phải bình tĩnh.

 

Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Khang: 0975.18.33.66
Mr. Hà: 0914.338.348
0975.18.33.66
Thông tin thẩm định
Văn bản pháp luật
Quảng cáo